Tình trạng và xu thế truyền tải điện Việt Nam năm 2021

Tình trạng và xu thế truyền tải điện Việt Nam năm 2021

 

Đi tìm nguyên nhân của ‘hiện tượng’ sản lượng điện truyền tải trên lưới điện quốc gia (2 tháng đầu năm 2021) thấp hơn so với luỹ kế cùng kỳ năm trước - một tình huống trái với thông lệ từ trước đến nay; sự cố lưới truyền tải do vi phạm hành lang khoảng cách an toàn lưới truyền tải vẫn còn xảy ra, cũng như vấn đề tiến độ hoàn thành hệ thống truyền tải đấu nối cho các nguồn điện lớn và các kiến nghị với nhà đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió đang xây dựng, v.v... Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xung quanh các vấn đề này. 


Được biết, 2 tháng đầu năm 2021 sản lượng điện truyền tải trên lưới điện quốc gia thấp hơn so với luỹ kế cùng kỳ năm trước. Đây là một tình huống trái với thông lệ từ khi EVNNPT được thành lập đến nay. Xin ông cho biết cụ thể và đánh giá nguyên nhân của tình trạng này?

 

Ông Phạm Lê Phú: Sản lượng điện truyền tải tháng 2/2021 đạt 12.339 tỷ kWh, lũy kế 2 tháng đầu năm 2021 đạt 28.811,9 tỷ kWh, đạt 13,5% kế hoạch năm 2021 và bằng 95,4% so cùng kỳ năm 2020 (2 tháng đầu năm 2020 có 60 ngày, 2 tháng đầu năm 2021 có 59 ngày).

 

Nếu so sánh sản lượng thực hiện 2 tháng đầu năm 2021 với cùng số ngày (59 ngày) của 2 tháng đầu năm 2020, kết quả thực hiện của 2 tháng đầu năm 2021 bằng 97% so với 59 ngày đầu năm 2020. Đánh giá nguyên nhân là do:

 

Thứ nhất: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh, thành bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 đã ảnh hưởng đến sản lượng điện tiêu thụ và điện truyền tải trong tháng 2/2021.

 

Thứ hai: Sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt các nguồn điện mặt trời mái nhà được đưa vào vận hành cuối năm 2020 đã làm sụt giảm sản lượng điện truyền tải trên lưới điện truyền tải của EVNNPT.

 

Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.


Cơ cấu nguồn điện hiện nay với việc gia tăng nguồn công suất điện mặt trời, đặc biệt điện mặt trời mái nhà có tác dụng ít nhiều trong việc giảm lượng điện truyền tải đi xa. Việc này đã được tính đến khi tính toán sản lượng truyền tải trong kế hoạch 2021 không, thưa ông? Và, ông có đánh giá gì về khả năng hoàn thành kế hoạch về sản lượng điện truyền tải so với sản lượng kế hoạch năm 2021 đã được tính toán và phê duyệt?

 

Ông Phạm Lê Phú: Theo Quyết định số 136/QĐ-EVN ngày 26/1/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Kế hoạch sản xuất kinh doanh - tài chính - đầu tư xây dựng năm 2021 cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, chỉ tiêu về sản lượng điện truyền tải năm 2020 là 213,4 tỷ kWh. Sản lượng điện mặt trời khoảng 19,6 tỷ kWh (trong đó khoảng 11,6 tỷ kWh phát vào lưới phân phối chiếm tỷ trọng 59,5%; khoảng 8 tỷ kWh phát vào lưới truyền tải chiếm tỷ trọng 40,5%). Như vậy, với tỷ trọng 59,5% sản lượng điện mặt trời phát vào lưới phân phối không qua lưới truyền tải cộng với việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc hoàn thành kế hoạch về sản lượng điện truyền tải là hết sức khó khăn.

 

Do đó, EVNNPT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan (điều độ, phân phối, mua bán điện) để cập nhật, đánh giá, phân tích ảnh hưởng của các nguồn NLTT, đặc biệt các nguồn điện mặt trời mái nhà mới đưa vào vận hành trong cuối năm 2020 và các nguồn điện gió sẽ tiếp tục đưa vào trong các tháng cuối năm 2021 để cập nhật tính toán sản lượng điện truyền tải năm 2021 báo cáo EVN và Bộ Công Thương xem xét có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

 

Được biết, luỹ kế đến tháng 2/2021 số sự cố trên đường dây truyền tải tăng 3 sự cố so với số lượng cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gia tăng 3 sự cố đều do vi phạm hành lang tuyến. Xin ông đánh giá nguyên nhân cụ thể vấn đề này và các biện pháp khắc phục trong thời gian tới?

 

Ông Phạm Lê Phú: Luỹ kế đến tháng 2/2021, trên lưới truyền tải điện xảy ra 6 sự cố đường dây, trong đó số sự cố do vi phạm hành lang đường dây tăng 3 sự cố so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân cụ thể: 1 sự cố do gió lốc cuốn vật dẫn điện bay lên đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định gây phóng điện giữa dây dẫn và dây chống sét tại vị trí cột 84 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, 2 sự cố đường dây ở cùng 1 vị trí trên tuyến đường dây 220 kV Cà Mau - Rạch Giá tại khoảng cột 156-157 vượt sông Cái Lớn do xà lan chở cần cẩu xáng cạp di chuyển dưới sông không hạ cần vi phạm khoảng cách tới 2 đường dây cùng mạch.

 

Đối với sự cố thứ nhất: Năm nay thời tiết nắng nóng tại khu vực Nam bộ đến sớm cùng với gió lốc xảy ra nhiều. Tuyến đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định đi qua các khu vực có các vườn cây trái của người dân canh tác. Khi gió lốc xoáy qua đường dây gây cuốn các vật như dây, rác, lưới che cây lên đường dây gây sự cố. Theo thống kê của chúng tôi, những năm gần đây hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra nhiều hơn đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Do đó, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra tuyến đường dây, phát hiện và thu dọn các vật bay như dây dợ, rác, cành cây... trong và gần hành lang đường dây. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng néo các tấm lưới, bạt che cây, che vật dụng, vật liệu, gia cố các mái tôn nhà cửa, công trình, chuồng gia súc ngăn ngừa bay lên đường dây gây sự cố. Ngoài ra, công tác tuyên truyền người dân không thả diều gần đường dây, trạm biến áp cũng được đẩy mạnh.

 

Đối với 2 sự cố do xà lan xáng cạp vi phạm khoảng cách an toàn: Đây là sự cố xảy ra không phải lần đầu đối với khu vực đồng bằng sông nước, kênh rạch chằng chịt của miền Tây Nam bộ. Đối với tuyến đường dây 220 kV Cà Mau - Rạch Giá vượt sông Cái Lớn đã được lắp đèn báo hiệu ban đêm tại điểm thấp nhất trên dây dẫn vượt sông. Hai phía thượng nguồn và hạ nguồn đã được lắp biển cảnh báo an toàn theo quy định của Nghị định 14/2014- NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật về đường sông. Các đơn vị Truyền tải điện đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chủ các phương tiện tàu thuyền, xà lan về khoảng cách an toàn, cùng biện pháp an toàn khi di chuyển dưới đường dây và ký cam kết đảm bảo an toàn. Sự cố lần này do bất cẩn của người lái xà lan do vội di chuyển về quê đón Tết nên sau khi thi công nạo hút sông đã không hạ cần cáng cạp xuống.

 

Sau sự cố, Truyền tải điện miền Tây 3 đã làm việc với công an và chính quyền địa phương xử phạt chủ phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, yêu cầu chủ phương tiện học tập và thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn khi di chuyển, thi công gần đường dây.

 

Các biện pháp tuyên truyền, xử lý ngăn ngừa các sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Vấn đề này đang được EVNNPT tiếp tục thực hiện quyết liệt ở tất cả các địa phương với các hình thức phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả của các công việc này (ngoài sự cố gắng của đơn vị quản lý vận hành), cần sự vào cuộc, hợp tác tích cực của người dân, các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương để giảm các sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải.

 

Năm 2021, theo tiến độ sẽ có một số nhà máy nhiệt điện lớn vào vận hành. Cụ thể: Nhiệt điện Hải Dương (2x600 MW) đã vận hành thương mại tổ 1 vào tháng 11/2020, tổ 2 sẽ vào quý 2/2021; Nhiệt điện Duyên Hải 2 (2x660 MW) sẽ vận hành thương mại vào giữa năm 2021; Nhiệt điện Sông Hậu 1 (2x600 MW) sẽ vận hành thương mại giữa năm 2021; Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2x600 MW) vận hành thương mai đầu năm 2022.

 

Xin ông cho biết tình hình hoàn thành đầu tư xây dựng các hệ thống truyền tải đấu nối để truyền tải công suất các nhà máy lớn này, đặc biệt là thời điểm hoàn thành đường dây 500 kV đấu nối Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 - công trình được EVN kêu cứu nhiều lần về giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo cấp điện cho chạy thử nghiệm nhà máy và truyền tải lên lưới quốc gia?

 

Ông Phạm Lê Phú: Để phục vụ phát triển kinh tế đất nước, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, trong đó có các dự án nhà máy nhiệt điện lớn của đất nước như: Sông Hậu 1, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2, Hải Dương… Hiện các nhà máy điện này đã triển khai thi công, một số dự án đã chạy thử, phát điện. Khi các nhà máy điện này vào vận hành cần phải sẵn sàng các đường dây đấu nối để giải tỏa công suất.

 

Xác định tầm quan trọng của các công trình giải tỏa công suất cho các nhà máy điện nêu trên, từ rất sớm, EVNNPT đã triển khai ngay việc lập dự án đầu tư công trình lưới điện đồng bộ nguồn nhằm mục đích giải tỏa công suất. Theo đó, trong những năm qua, EVNNPT đã nỗ lực thu xếp vốn, đẩy nhanh các thủ tục cần thiết, tập trung đủ nguồn lực cho các công trình đấu nối nguồn điện. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các công trình đều chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc do chồng lấn quy hoạch với các dự án khác của địa phương dẫn đến làm chậm tiến độ. Cụ thể:

 

Một là: Đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa. Đây là dự án đường dây mạch kép từ sân phân phối (SPP) Trung tâm Điện lực Sông Hậu đến trạm biến áp (TBA) 500 kV Đức Hòa (chiều dài khoảng 132,65 km) đi qua địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An được tổ chức thi công hai giai đoạn:

 

Giai đoạn 1: Xây dựng 2 mạch đường dây 500 kV, chiều dài 36,65 km, gồm 78 vị trí đấu nối từ trung tâm SPP Trung tâm Điện lực Sông Hậu đấu nối vào 1 mạch đường dây 500 kV Ô Môn - Mỹ Tho (trong khoảng cột 116-117) đi qua 3 tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ công tác vận hành thử nghiệm cho Nhiệt điện Sông Hậu 1. Giai đoạn 1 hoàn thành đóng điện vào ngày 10/7/2020.

 

Giai đoạn 2: Xây dựng 2 mạch đường dây 500kV có chiều dài khoảng 96 km bao gồm 210 vị trí, đi qua địa bàn các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và mở rộng ngăn lộ 500 kV TBA 500 kV Đức Hòa. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 thì sẽ tháo dỡ đấu nối tạm và đấu nối vượt đường dây 500 kV Ô Môn - Mỹ Tho, hoàn thành đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa để Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ nhận/phát điện từ TBA 500 kV Đức Hòa.

 

Giai đoạn 2 đã khởi công ngày 26/9/2019 (kế hoạch hoàn thành ban đầu là quý 2/2020) đến nay mới hoàn thành đúc móng 139/210 (66% khối lượng), dựng trụ 66/210 vị trí (35%) và chưa thực hiện kéo dây. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 77/88 vị trí, tỉnh Long An bàn giao và vận động thi công 84/112 vị trí. Dự án hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bao gồm các thủ tục như: Xác định nguồn gốc đất chậm, kiểm kê, quy chủ... chậm; người dân không đồng thuận về đơn giá bồi thường, cũng như chính sách bồi thường... các vướng mắc này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành của dự án.

 

Hai là: Đường dây 220 kV NĐ Hải Dương - Trạm biến áp 500 kV Phố Nối. Dự án này khởi công từ 27/8/2019, kế hoạch hoàn thành ban đầu là quý 2/2020, đến nay mới hoàn thành được 65% khối lượng. Hiện dự án đang gặp vướng mắc lớn về chồng lấn quy hoạch với các khu đô thị, khu dân cư phía Nam TP Hải Dương (như khu đô thị Newland, khu nhà ở của doanh nghiệp Ngọc Sơn…) dẫn đến phải điều chỉnh tuyến, hiệu chỉnh lại thiết kế và thi công - đây là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án.

 

Ba là: Đường dây 500 kV đấu nối Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia. Dự án khởi công từ ngày 9/4/2018, theo kế hoạch ban đầu dự án phải hoàn thành vào tháng 6/2019, nhưng đến nay mới hoàn thành được khoảng 95% khối lượng. Tiến độ hoàn thành dự án chậm, do trong công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc: Công tác xác định nguồn gốc, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công tác tái định cư, về cơ chế chính sách, về đơn giá, v.v...

 

Đối với dự án này, trong thời gian qua, được sự giúp đỡ của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, UBND các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và các cơ quan liên quan đã tích cực, hỗ trợ tháo gỡ, đến nay phần lớn vướng mắc cơ bản đã được giải quyết. Nhưng hiện dự án còn 1 khoảng néo (khoảng néo vị trí 101-105) trên địa bàn Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An còn 2 hộ không nhận tiền bồi thường (với lý do đơn giá thấp và đề nghị bố trí tái định cư). Mặc dù địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền vận động giải thích nhưng các hộ vẫn không đồng thuận bàn giao mặt bằng. Hiện EVNNPT đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm giải pháp tháo gỡ để có thể thi công hoàn thành trong đầu quý 2/2021.

 

Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua (2020 - 2021) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiến độ các dự án trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong thời gian quý 4/2020 - quý 1/2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải giãn cách xã hội dẫn đến dự án đường dây 220 kV NĐ Hải Dương - Trạm biến áp 500 kV Phố Nối phải tạm dừng mọi công việc liên quan đến dự án.

 

Mặc dù gặp những khó khăn khách quan như giải phóng mặt bằng, điều chỉnh tuyến, ảnh hưởng dịch bệnh, tuy nhiên EVNNPT vẫn, đã và đang nỗ lực tập trung nguồn lực, quyết tâm để hoàn thành các dự án trên trong năm 2021, không để ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của các nhà máy điện.

 

Còn một câu hỏi nữa, xin được ông chia sẻ: Ông có kiến nghị gì đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2021 và các năm sau về việc phối hợp, hợp tác đối với EVNNPT trong đồng bộ lưới điện giữa nguồn và lưới?

 

Ông Phạm Lê Phú: Năng lượng tái tạo không chỉ có năng lượng mặt trời và điện gió mà còn bao gồm điện thủy triều, điện sinh khối, điện rác, điện địa nhiệt.

 

Những năm qua do phát triển công nghệ nên suất đầu tư xây dựng điện năng lương tại tạo đã giảm đáng kể. Ví dụ như suất đầu tư điện gió trên bờ năm 1983 là 5.000 USD/kW đã giảm xuống khoảng 1.500 USD/kW vào năm 2018. Do đó, các nhà đầu tư cần chú ý ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm suất đầu tư, giảm chi phí vận hành bảo dưỡng đồng thời tuân thủ theo các yêu cầu về vận hành an toàn hệ thống điện. Đồng thời các nhà đầu tư cũng cần phối hợp, hợp tác với EVNNPT để đảm bảo việc đồng bộ giữa nguồn và lưới, tránh tình trạng xây dựng nguồn nhưng lại chưa có hệ thống lưới kết nối sẽ làm giảm hiệu quả của dự án. Vì như chúng ta đã biết, thời gian xây dựng một nhà máy điện mặt trời có thể chỉ cần 6 tháng, trong khi thời gian để xây dựng một dự án truyền tải điện thường phải kéo dài tối thiểu từ 2 đến 3 năm. Đấy là chưa kể đến khoảng thời gian phải thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án.

zalo