Tâm tình những “nét bút” ngành Điện

Tâm tình những “nét bút” ngành Điện

Góp phần để đưa thông tin ngành Điện đến bạn đọc, bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp còn là những thợ điện trực tiếp cầm bút. Họ - những nhà báo không chuyên công tác ở nhiều lĩnh vực, bộ phận khác nhau, song tất cả đều có chung một mục đích truyền tải những thông tin để mọi người hiểu và chia sẽ với công việc của người thợ điện.

 

Anh Tiến Luân (ĐL Kỳ Anh) cho biết: Bình thường Công ty đều giao cho các đơn vị viết tin bài hàng tháng về những hoạt động của đơn vị mình. Viết bài đưa tin cũng là chỉ tiêu, nhiệm vụ đánh giá vào điểm thi đua của đơn vị nên mọi người đều phải cố gắng thực hiện”. Cũng giống như anh Luân, những công nhân kỹ thuật chỉ biết dòng và áp, rơ le, sự cố… hầu hết đều không hiểu về cách làm báo. Mặt khác, mọi người đang ở các bộ phận sản xuất, việc thực hiện đưa tin, viết bài là nhiệm vụ kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc chuyên môn chính vẫn phải làm. Bởi vậy, ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, mấy anh em lúng túng đùn đẩy nhau viết bài.

 

Khác với mọi người, cây bút trẻ Huyền Trang (PC Hà Tĩnh) đến với nghiệp báo không chuyên này với nỗi niềm khác: “Là một công nhân ngành Điện, em thấy công việc của đồng nghiệp mình rất vất vả. Người ngoài ít ai hiểu được, để có dòng điện ổn định không chỉ mồ hôi có khi đổi cả máu và mạng sống của thợ điện, trong khi chỉ một sự cố mất điện khách quan nhỏ thì lại được soi rất kỹ… Điều đó cứ thôi thúc em viết về những công nhân mang áo cam ngành Điện!”

 

Nhưng để làm công tác truyền thông không phải dễ, mà vô cùng khó khăn đối với anh em kỹ thuật. Không được đào tạo bài bản, không có kiến thức nghiệp vụ nên họ đều cần phải rèn luyện và học tập rất nhiều. Bạn Tiến Luân chia sẻ thêm: “Để làm tốt công việc không chuyên này, tự bản thân cố gắng chăm chỉ học hỏi viết lách là chưa đủ, đó còn là sự quan tâm của Ban lãnh đạo luôn tạo điều kiện để đi tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tăng kiến thức nghiệp vụ. Ngoài ra, với mỗi tin bài được đăng còn có chế độ nhuận bút, có quy định rõ ràng để động viên người cầm bút viết. Tất cả điều đó đã tạo động lực cho những cây bút không chuyên nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.

 

Còn với bạn Huyền Trang xúc động bộc bạch: “Làm việc với Ban biên tập (BBT) của ngành Điện chưa nhiều nhưng mình rất cảm kích trước sự nhiệt tình của anh chị trong BBT. Có những khi đã muộn, các anh chị còn cần mẫn ngồi sửa từng dấu chấm, dấu phẩy, chữ viết hoa cho bài viết của mình. Dù chưa có dịp gặp các anh chị trong BBT nhưng tình cảm như gắn bó thân thiết bởi có những cuộc điện thoại trao đổi thường xuyên để bài viết mình chỉn chu hơn trước khi đến với bạn đọc”. Nét bút người thợ điện dần được khắc phục qua nhiều lần cộng tác viên, các tay bút trưởng thành dần lên từ những cái nôi như vậy. Để rồi bên cạnh thành công của những cây bút không chuyên ấy là cả sự vất vả, cần mẫn của anh chị em BBT làm việc trong các ấn phẩm ngành Điện.

 

Cứ thế từ một bài viết được đăng, rồi hai bài…anh em ngành Điện dần trở thành người làm công tác truyền thông lúc nào không hay. Tay viết của những nhà báo không chuyên ấy cũng khá lên trông thấy. Ai cũng hào hứng, mong chờ mỗi khi tác phẩm lên sóng, nhất là được mọi người đón đọc và nhận những lời chúc mừng của đồng nghiệp thì niềm vui như nhân lên gấp bội.

 

Tuy vẫn nhiều khó khăn trong nghiệp không chuyên, những nét bút ngành Điện vẫn tâm huyết, tự học tập kỹ năng viết tin bài để trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Họ luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, góp phần đưa thông tin ngành Điện đến với công chúng kịp thời, chính xác và nhiều hơn.

zalo