Nơi cho tôi tình yêu nghề

Nơi cho tôi tình yêu nghề

Lật mở từng trang kỷ yếu, từng thước phim quay chậm về chặng đường phát triển hơn 40 năm của Tổng công ty Điện lực miền Trung hiện ra trước mắt; hấp dẫn, trào dâng trong tôi một tình yêu nghề mãnh liệt. Tôi tự hào vì tôi là một cán bộ, công nhân viên ngành Điện.

 

Dấu ấn nỗ lực

 

Những ngày đầu mới thành lập, ngành Điện miền Trung gặp vô vàn những khó khăn. Từ cơ sở vật chất cũ kỹ, lưới điện manh mún, nhỏ lẻ, đến hệ thống kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, hầu như chưa có gì. Trải qua 45 năm xây dựng, biết bao thế hệ ngành Điện, mà tiêu biểu là những cán bộ, công nhân viên vào những ngày đầu, đã cống hiến sức lực và trí lực để xây dựng một Tổng công ty Điện lực miền Trung phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Tôi hôm nay, có thể nói là thế hệ trẻ kế cận của ngành Điện miền Trung, rất may mắn vì được thừa hưởng những thành quả lao động của thế hệ trước. Càng trân quý thành quả ấy, tôi càng không thể quên những dấu ấn được viết nên bằng sự nỗ lực bao thế hệ ngành Điện, trong đó phải kể đến những công trình điện vào những ngày đầu thành lập. Năm 1990, Tổng công ty đã tổ chức đóng điện đường dây 220-110kV Vinh - Đà Nẵng, công trình đầu tiên kết nối lưới điện miền Trung vào lưới điện quốc gia. Rồi liên tục qua các năm 1992 - 1994, hàng loạt các công trình đóng điện đường dây 110kV từ phía Bắc đến Quảng Ngãi và sau đó điện phía Bắc được cấp đến Bình Định, rồi đến đóng điện đường dây 110kV Đa Nhim - Nha Trang, đường dây 110kV Nha Trang - Tuy Hòa, đưa điện từ Đa Nhim cung cấp cho tỉnh Phú Yên và sau đó nối đến Bình Định. Xen lẫn qua các năm, các công trình thủy điện Đrây Hlinh, Ialy, Vĩnh Sơn và nhiều dự án điện khí hóa nông thôn được khởi công hoàn thành. Hệ thống lưới điện quốc gia đang từng bước kết nối, hoàn thiện trên khắp 13 tỉnh thành miền Trung - Tây nguyên.

 

Nỗ lực không dừng lại, cán bộ, công nhân viên ngành Điện miền Trung vẫn miệt mài kiến thiết hệ thống điện, với những công trình vượt biển, băng rừng. Năm 2014, Tổng công ty hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); rồi đến năm 2016, tiếp tục đưa điện ra xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, thành phố Hội An). Hai dự án được hoàn thành đồng nghĩa với việc người dân trên đảo được sử dụng nguồn điện ổn định, đầy đủ, chất lượng cao, mang đến cơ hội phát triển, ấm no, thịnh vượng; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và quan trọng hơn cả, đến tháng 7/2018, xã Ch’ơm của huyện Tây Giang (Quảng Nam) chính thức được đóng điện, tạc dấu mốc quan trọng: 100% số xã của Quảng Nam cũng như địa bàn miền Trung, Tây Nguyên có điện lưới quốc gia. Hàng loạt trở ngại về địa hình, thời tiết, phân bố dân cư đã ở lại phía sau, để góc núi sáng bừng, đồng bào bắt đầu sống những ngày rất khác. Có thể nói, từ những nhộn nhịp của thành thị, khu công nghiệp, ngược lên heo hút vùng biên giới hay xuôi xuống những làng mạc mù khơi xứ biển của dải đất miền Trung - Tây Nguyên, sự hiện diện của ngành Điện lặng lẽ đắp bồi cho biết bao đổi thay. Và tôi luôn tự hào rằng mình là một cán bộ ngành Điện, đang lặng lẽ “góp mật ngọt xây đời”, vì sự phát triển của toàn xã hội.

 

Vì sự hài lòng của khách hàng

 

Có một vị Lãnh đạo Công ty đã từng hỏi tôi: “Với cương vị của mình, bạn sẽ làm gì để xóa thế độc quyền của ngành Điện”. Đó là một câu hỏi mà tôi đã trả lời chưa trọn vẹn. Nhưng đến giờ, mỗi ngày trôi qua, thông qua những việc làm, hành động mà tôi và đồng nghiệp đã cùng nhau cố gắng, nỗ lực thực hiện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, thì “hình ảnh độc quyền” của ngành Điện đã dần dần thay đổi và tôi đã dần tìm cho mình được câu trả lời.

 

Có một sự thay đổi rất rõ ràng trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đó là “thái độ phục vụ” của đa số cán bộ, công nhân viên ngành Điện. Giờ đây, mỗi người nhân viên ngành Điện miền Trung chưa bao giờ thiếu hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Ngành Điện đã cải tiến phong cách phục vụ, hướng đến mục tiêu “sự hài lòng khách hàng” làm thước đo hiệu quả kinh doanh. Chính vì thế, nhiều giải pháp, chương trình cải cách hành chính, cải tiến chất lượng dịch vụ được đưa ra. Trong đó, có việc thành lập mô hình “một cửa” qua các phòng giao dịch khách hàng, ứng dụng dịch vụ điện trực tuyến giúp khách hàng không cần đến quầy dịch vụ mà có thể đăng ký, sử dụng dịch vụ điện bất kỳ nơi đâu; thậm chí thanh toán tiền điện cũng được thực hiện tự động thông qua sự liên kết giữa hệ thống Ngân hàng và ngành Điện; những thắc mắc của khách hàng đã được hỗ trợ giải đáp thông qua Trung tâm chăm sóc khách hàng; những thông tin về lịch tạm ngưng cung cấp điện được gửi đến địa chỉ email, số điện thoại; thậm chí việc sử dụng điện của mỗi khách hàng cũng được ngành Điện nhắn tin nhắc nhở nếu có bất thường; rồi nhiều chương trình tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng, an toàn trong mùa mưa bão. Gần đây nhất, ngành Điện đã triển khai hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Vì khi sử hệ thống điện mặt trời, khách hàng chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu mà mãi mãi về sau sẽ được dùng điện miễn phí và thậm chí được ngành Điện trả tiền điện.

 

Trong công tác quản lý, ngành Điện miền Trung đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động và mang lại hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ. Năm 2002, đánh dấu mốc với việc nghiên cứu sản xuất thành công công tơ điện tử, bước đột phá về hiện đại hóa hệ thống đo đếm, giúp nâng cao độ chính xác, tiết kiệm nhân lực, đảm bảo an toàn cho người lao động. Từ đó, liên tục qua các năm là những bước tiến không ngừng trong công tác ghi chữ số, với việc triển khai hệ thống đo xa MDMS, rồi lắp đặt hệ thống lưới điện thông minh, đưa vào vận hành hệ thống điều khiển từ xa, xây dựng các trạm biến áp không người trực, sử dụng công nghệ hotline trong sửa chữa điện... Rất nhiều bước tiến về công nghệ đã được ngành Điện ứng dụng, mang đến một diện mạo ngành Điện hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Được làm trong môi trường chuyên nghiệp, chính là niềm hạnh phúc lớn lao, là cơ hội để mỗi người tôi luyện, trưởng thành hơn từng ngày.

 

Chỉ có tình người là còn ở lại

 

“Tổng công ty là nơi những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, vun đắp, nơi mà những nỗ lực của từng cá nhân được nhìn nhận một cách chính xác và công tâm, là nơi mà tất cả mọi điều có thể rồi cũng qua đi, “chỉ có tình người là còn ở lại”” - đó là lời của một vị nguyên lãnh đạo Tổng công ty từng nói. Trong suốt những năm công tác tại PC Quảng Nam - đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, tôi cảm nhận được một môi trường làm việc vừa năng động vừa ấm áp tình người. Việc đối xử giữa lãnh đạo với nhân viên, ngoài việc thực hiện trách nhiệm được phân công, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công việc còn chân thành chia sẻ với nhau trong những lúc khó khăn. Đã có rất nhiều đợt quyên góp toàn Tổng công ty để ủng hộ CBCNV gặp khó khăn; đoàn kết giúp đỡ nhau khắc phục thiệt hại qua các đợt bão lụt lớn; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; thường niên tổ chức những đợt gặp gỡ cán bộ hưu trí để nhắc nhớ công ơn của những người đi trước...

 

Ở Tổng công ty, một nét đẹp riêng có gọi là “nét văn hóa CPC” còn được thể hiện qua những chuyến công tác từ thiện xã hội, “đền ơn đáp nghĩa”. Ấn tượng nhất vẫn là mỗi dịp tháng 12 về, Tổng công ty phát động các chương trình “Tri ân khách hàng”. Rất nhiều hoạt động mang nét đặc trưng của ngành Điện như: Hiến máu nhân đạo, thắp sáng đường quê, thắp sáng niềm tin, tặng quà cho người nghèo, gia đình khó khăn,... được tổ chức, góp phần bồi đắp thái độ sống tích cực trong cán bộ công nhân viên. Trong năm 2020 này, chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập, Tổng công ty đã dành ra 5 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa và thực hiện dự án điện mặt trời tại các trường học trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Những ngôi nhà tình nghĩa lần lượt mọc lên, là minh chứng rõ nét về “tình người”, về nét đẹp “văn hóa CPC” vững chắc mà tập thể lãnh đạo và CBCNV Tổng công ty đang ngày đêm vun đắp.

 

Địa vị, quyền lợi và tiền tài rồi cũng qua đi, chỉ có truyền thống tốt đẹp và tình người còn ở lại. Được sống và lao động trong một môi trường giàu truyền thống tốt đẹp như Tổng công ty là yếu tố quan trọng giúp tôi trưởng thành và bồi đắp thêm tình nhân ái trong quá trình công tác. Tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc đã có, Tổng công ty sẽ ngày càng phát triển bền vững và thịnh vượng hơn trong tương lai.

Xem thêm: https://sites.google.com/view/places123

zalo