Năng lượng tái tạo được kỳ vọng trở thành nguồn năng lượng lớn nhất

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng trở thành nguồn năng lượng lớn nhất

 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trên toàn thế giới, tăng trưởng về công suất điện tái tạo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2027. Đây là con số dự báo lớn chưa từng có mà IEA đưa ra.

 

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã mang lại cho năng lượng tái tạo một sự phát triển chưa từng có. Mối lo ngại về an ninh năng lượng dẫn đến sự điều chỉnh lớn nhất về dự báo năng lượng tái tạo của IEA. Trong giai đoạn dự báo của IEA, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% trong công suất điện bổ sung trên toàn cầu. Số liệu sửa đổi tăng chủ yếu là do Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Ấn Độ đưa vào thực hiện tất cả những chính sách hiện có về năng lượng sạch, thực hiện những cải cách về chính sách và thị trường, đồng thời cũng nhanh chóng đưa ra những đổi mới, được cập nhật trong những quy định pháp lý và chính sách nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

 

Tiềm năng vượt qua than đá

 

Báo cáo của IEA cho thấy, năng lượng tái tạo đã sẵn sàng vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện lớn nhất vào đầu năm 2025, một mô hình được thúc đẩy phần lớn bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu liên quan đến chiến tranh ở Ukraine. Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho biết, đây là một ví dụ rõ ràng về cách cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn. Nhà phân tích cấp cao của IEA Heymi Bahar cho biết, việc mở rộng năng lượng tái tạo trong 5 năm tới sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì cơ quan này dự báo cách đây một năm trong báo cáo thường niên gần đây nhất. Báo cáo đã sửa đổi dự báo năm ngoái về tăng trưởng năng lượng tái tạo lên 30% sau khi một số quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc, đưa ra các chính sách mới.

 

Mặc dù tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang hồi phục trong thời chiến khi các nước châu Âu tranh giành để thay thế khí đốt từ Nga, nhưng các tác động có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thay vào đó, trong 5 năm tới, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo khi các quốc gia áp dụng công nghệ phát thải thấp để đối phó với giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Chúng bao gồm tua-bin gió, tấm pin mặt trời, nhà máy điện hạt nhân, nhiên liệu hydro, xe điện và máy bơm nhiệt điện. Thêm vào đó, hệ thống sưởi và làm mát các tòa nhà bằng năng lượng tái tạo cũng là một trong những lĩnh vực cần được cải thiện nhiều hơn.

 

Trong năm nay, Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, đây được đánh giá là một luật thuế và khí hậu mang tính bước ngoặt, trong số nhiều khoản đầu tư nhằm giảm phát thải khí nhà kính đang làm trái đất nóng lên, đã tạo ra sự mở rộng “không lường trước được” trong các khoản tín dụng thuế dài hạn cho các dự án năng lượng mặt trời và gió kéo dài đến năm 2032. Trước đây, các khoản tín dụng thuế này đã được sửa đổi một vài năm một lần. Ông Heymi Bahar cho biết, việc gia hạn các khoản tín dụng cho đến năm 2032 mang lại sự chắc chắn hơn cho các nhà đầu tư, điều này rất quan trọng trong ngành năng lượng. Chỉ riêng tại Trung Quốc, dựa trên các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm mới của quốc gia này được dự báo sẽ lắp đặt gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu mới trong 5 năm tới. Mặc dù vậy, quốc gia này vẫn đang đẩy mạnh khai thác và sản xuất than tại các nhà máy điện đốt than.

 

Công suất điện gió sẽ tăng mạnh vào năm 2027

 

Tỷ trọng của điện tái tạo trong hỗn hợp điện dự kiến sẽ tăng 10 điểm phần trăm trong giai đoạn dự báo, đạt khoảng 38% vào năm 2027. Năng lượng tái tạo là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng dự kiến tăng, trong khi tỷ trọng điện năng của than, khí đốt tự nhiên, năng lượng hạt nhân và dầu mỏ suy giảm. Sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm tới và chiếm gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. Những công nghệ đổi mới này chiếm 80% mức tăng toàn cầu về sản xuất năng lượng tái tạo trong giai đoạn dự báo trong yêu cầu bổ sung những nguồn linh hoạt cho hệ thống điện. Năng lượng tái tạo có thể quy hoạch cấp nhà nước như thủy điện, năng lượng sinh học, địa nhiệt và năng lượng mặt trời tập trung sẽ chậm hơn so với tốc độ mở rộng năng lượng mặt trời và gió cao, mặc dù nguồn năng lượng quy hoạch cấp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong chương trình tích hợp điện gió và điện mặt trời vào hệ thống lưới điện toàn cầu.

 

Công suất phát điện của hệ thống quang điện đã được lắp đặt sẽ vượt qua công suất phát điện của than đá vào năm 2027. Khi đó, đây sẽ là nguồn phát có công suất lớn nhất thế giới. Theo dự báo của IEA, công suất lưu trữ quang điện cũng sẽ tăng gấp 3 lần, tăng gần 1.500 gigawatt trong giai đoạn này, vượt qua khí đốt tự nhiên vào năm 2026 và than đá vào năm 2027. Công suất điện gió toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi, trong đó các dự án điện gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng. Các trang trại điện gió trên bờ mới, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2022 – 2027 sẽ cung cấp hơn 570 gigawatt công suất. Tuy nhiên, việc bổ sung năng lượng điện gió trên bờ sẽ không phá vỡ kỷ lục hàng năm, được thiết lập vào năm 2020 cho đến khi kết thúc giai đoạn dự báo, nguyên nhân chính là do quy trình cấp phép kéo dài và cơ sở hạ tầng lưới điện không kịp thời được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu gia tăng nguồn cung điện năng.

 

Tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi đang tăng tốc trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu trong tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu giảm từ 50% vào năm 2021 xuống còn 30% vào năm 2027 do các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh của Trung Quốc được triển khai nhanh hơn, đồng thời Mỹ trở thành một thị trường quan trọng đối với điện gió ngoài khơi. Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Đức (Dena) Andreas Kuhlmann cho biết, ngược lại với những lo ngại trước đây, kế hoạch mở rộng toàn cầu nền kinh tế hydro cũng là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.

 

Những thách thức cần giải quyết

 

Giám đốc phân tích năng lượng tại Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng Doug Vine cho biết, động lực tăng trưởng năng lượng tái tạo gần đây không đủ để giúp thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học đã tính toán rằng việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C sẽ yêu cầu các quốc gia hạn chế hoặc bù đắp toàn bộ lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2050. Song, báo cáo mới của IEA chỉ ra rằng, việc thu hẹp khoảng cách là “trong tầm tay”. Báo cáo chỉ ra rằng, những trở ngại chính ở các quốc gia giàu có là thủ tục cấp phép kéo dài và thiếu cải tiến cũng như mở rộng cơ sở hạ tầng lưới điện, và hiện nay, một số quốc gia châu Âu đã cải thiện được những vấn đề đó. Các quốc gia này bao gồm Đức và Tây Ban Nha, những quốc gia này đã giảm thời gian cấp phép, quốc gia đã hợp lý hóa việc cấp phép và tăng công suất lưới điện cho các dự án năng lượng tái tạo.

 

Đối với các quốc gia có thu nhập thấp, thách thức là cả cơ sở hạ tầng lưới điện yếu kém và thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính hợp lý cho các dự án năng lượng tái tạo, đòi hỏi chi phí vốn ban đầu cao hơn so với chi phí bảo trì và vận hành. Lãi suất cao đối với các khoản vay thường là một rào cản đối với nhiều quốc gia có thu nhập thấp, những quốc gia dễ bị tổn thương nhất nhưng ít chịu trách nhiệm nhất đối với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng trước ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu đã kêu gọi đại tu hai tổ chức tài chính hùng mạnh là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại diện cho một hệ thống tài chính toàn cầu mà các nhà lãnh đạo cho rằng gây bất lợi cho các nước nghèo hơn. Nếu được thực hiện, những người ủng hộ cho biết, các cải cách có thể mang lại cho các quốc gia đang gặp khó khăn lãi suất thấp hơn và cho phép các tổ chức tài chính thu hút hàng nghìn tỷ đô la vốn tư nhân để giúp các quốc gia đó chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

 

Nguồn: Electric & Power Vietnam

zalo